💭 nghĩ

“Vì tôi ghét Hàn Quốc”

“Vì tôi ghét Hàn Quốc”

Trích đoạn tóm tắt phía sau bìa sách:

“Em chẳng quan tâm chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc xếp hạng mấy trên thế giới. Em chỉ muốn em hạnh phúc hơn thôi. Mà ở đây thì em không thể hạnh phúc được.”

Quyết tâm lựa chọn hạnh phúc lạ lẫm nơi đất khách thay vì bất hạnh quen thuộc chốn quê nhà, Kye Na rời bỏ Hàn Quốc và từ bỏ mọi thứ mình có ở Hàn Quốc – gia đình, tình yêu, công việc – để sang Úc sống một cuộc sống mới, mà theo cô là, hạnh phúc hơn.

Nhưng di dân có phải là câu trả lời cho những bất hạnh tại cố quốc? Hành trình Úc tiến của Kye Na, rốt cuộc, là một cuộc chạy trốn hay kiếm tìm hạnh phúc đích thực cho bản thân? Mỗi bước, mỗi va vấp của Kye Na trên hành trình ấy sẽ vừa là một lời đáp cũng vừa là một câu hỏi tiếp nối, không ngừng đẩy cô tiến gần hơn tới cái kết mình khao khát.

Những điều Hưn “đọc” được

Hẳn là không có “vì Hưn ghét Việt Nam” nhưng sao lại tương đồng đến thế?

✨ Những phông nền văn hoá tạo nên sự nhỏ bé, tạm bợ

Bên trong một Hàn Quốc nặng vật chất và ưu ái giới tinh hoa xuất sắc, giới hạn tư tưởng chính là “không bình đẳng”, Kye Na (cũng như hàng triệu những người bình thường khác) tự nhận thức sự vô định, nhỏ bé của bản thân, thậm chí không mong cầu bất kì điều gì lớn lao trong cuộc sống của mình. Cô gái vừa ra trường ba năm, vừa lao ra khám phá cuộc sống lại tự nhận mình già cỗi và “settle for less” khi làm một công việc công sở không cảm xúc, mong ước sống an nhàn ở vùng đảo Jeju với điều kiện tối thiểu và ngủm ở tuổi 60.

Chà, ý tưởng ngủm củ tỏi ở tuổi 60 xem chừng khá hay ho; cho đến giờ mình vẫn còn nhớ như in cô giáo dạy Địa rạng rỡ và bộc trực hồi cấp 2 của mình cũng từng khảng khái nói ra ý tưởng tương tự, rằng cô chỉ mong mỏi kết thúc cuộc sống ở tuổi 60, không phải khi ấy cô không đẹp không hài lòng với việc sống, cô nghĩ chừng ấy là đẹp nhất. Hoặc cũng có thể, một lúc nào đó, cô cũng từng cảm nhận sự nhỏ bé, vô vọng của mình trong cuộc sống này?

Cũng có thể đó là “điểm chung vô định” của một người bình thường sau vài ba năm đi làm, phát hiện những ước mơ, khát khao ban đầu không như mình mong mỏi còn thực tế thì quá hạn hẹp, nhàm chán. Đó là mình khi làm gần hai năm ở một công ty Hàn Quốc, vừa sau khi ra trường, mức lương ổn định, phúc lợi no đủ với những bữa tối xa hoa và company trip nước ngoài, được gặp gỡ nhiều cá nhân xuất sắc trong cộng đồng, công việc không quá khó khăn nhưng lặp lại và nhàm chán, mỗi độ lễ, Tết về ra vẻ hơn thua mức lương và cấp bậc công việc với họ hàng, hàng xóm; nhìn lại toàn những bậc thang mòn mỏi trong “KPIs cuộc đời” mà xã hội giăng lưới, còn tư tưởng yếu ớt của mình khi ấy vô tri mắc vào. Ý nghĩ lạc lõng trong thế giới tư bản đó đập mạnh trong lồng ngực, ý tưởng biến khỏi văn phòng lưu lạc ở một nước ngoài lạ lẫm và ngủm củ tỏi vào tuổi 60 tràn ngập tâm trí của mình.

Ra vậy, những phông nền văn hoá (bao gồm hệ tư tưởng xã hội và tình thương của những người thân) sẽ biến những con người bình thường trở nên tầm thường và nhỏ bé hơn bao giờ hết.

✨ Những phông nền văn hoá nuôi dưỡng hạnh phúc từ sự độc lập và tự do

Úc.

Không phải vừa rời khỏi Hàn Quốc sang Úc, Kye Na liền hạnh phúc ngay. Phải gọi là hành trình “khám phá ra hạnh phúc” thì đúng hơn, vì cả khi điều kiện sống tồi tệ nhất và sự phân biệt chủng tộc “người Châu Á” đã diễn ra ở một quốc đảo xướng cao “quyền bình đẳng” thì Kye Na lại được sống đúng nghĩa. Khác hẳn phiên bản nhợt nhạt vô định ở Hàn Quốc, cô ấy có thể chịu đựng, có thể thay đổi, có thể thử điều khác lạ, khao khát và liều lĩnh tiến lên từ những điều nhỏ nhất, như dứt khoát bước ra khỏi những mối tình hay trở thành landlord, từ công việc tay chân phấn đấu được làm kế toán có tiềm năng phát triển hơn. Cứ như vậy, cô gái tự chủ tạo ra cuộc sống khác.

Nghĩ về những trải nghiệm của bản thân, sau khi nghỉ công việc đầu tiên, mình đáp chuyến bay đến Chiangmai, Thái Lan và ở tít một quốc gia khác, một mình và đến tận khi bay mình mới biết phải về lúc nào. Với tất cả sự liều lĩnh của “một người bình thường vô vọng”, mình có được phiên bản khó khăn, sợ hãi, cô đơn, rực rỡ, hết mình, hào sảng khi phải một mình xử lý hết tất tần tật vấn đề trên đường và trong tâm trí. Mãi đến gần đây, mình nhận ra rằng, Thái không hẳn là một quốc gia bình đẳng không xem trọng vật chất, chỉ là ở khung cảnh ấy, chẳng ai biết mình là ai, chẳng ai phán xét và kì vọng về nhất cử nhất động của mình, không được phép sai lầm và thất bại. Thế là mình tự do, thong dong đi lại trong chiều không thời gian, kết nối những mảng miếng sâu thẳm trong lòng và thể hiện chân thật ra với bất kì ai.

Đương nhiên, phông nền văn hoá không 100% biến đổi một con người, chỉ là tạo nên những phiên bản khác nhau của một con người, trong đó phiên bản này phù hợp hơn phiên bản kia.

✨ Có nhiều loại hạnh phúc, hạnh phúc gọi là độc lập và tự chủ

Trong khi truyền thông trong nước vẫn ra rả “phụ nữ độc lập và tự chủ không được yêu thương”, thì chuyện có một chi tiết mà mình rất thích. Sau một thời gian lưu lạc ở Úc, Kye Na quay lại Hàn Quốc cùng người bạn trai đã thành đạt của mình, làm một hậu phương nội trợ có đầy đủ sự ổn định về vật chất và tình yêu chăm bẵm. Nhưng xã hội vẫn là một thế lực bất biến, xã hội ấy không chấp nhận một người lao động như cô và đánh tráo đi sự tự tôn, tình yêu biến thành ngột ngạt phải thông cảm, vì thiệt thòi của người kia mà phớt lờ đi nhu cầu của chính mình. Một xã hội trọng vật chất thì được chu toàn vật chất cũng chẳng hạnh phúc là mấy. Chà, “được nuôi” nhưng không được tự do biến hoá trong cuộc sống của chính mình, chắc chắn là không hạnh phúc rồi.

Một giai đoạn trước, một anh chàng tài giỏi, nghị lực và thành công ngỏ lời “nuôi” khi mình đang rối tung trong thất vọng, lạc lõng, mơ hồ trong chính sự nghiệp của mình. Cái gọi là hạnh phúc được dựa dẫm về vật chất, ủng hộ về tinh thần nhanh chóng dạt sang bên để lại sự ngứa ngáy khó chịu và áp lực vô hình phải nhanh chóng ổn định. Điều khác biệt giữa mình và cô gái Kye Na là mình còn chẳng có nỗi nghị lực bước vào một-cái-gì-đó quá nghiêm túc, mình biến luôn. Ngẫm lại mình tiếc anh chàng xuất sắc đó, nhưng chẳng hối hận cho cam quyết định, vì rồi hai đứa cũng sẽ trao đổi những kì vọng không tương xứng mà thương hại rồi ghét bỏ nhau.

Cứ như chú chim cánh cụt Pablo được nhắc đến trong truyện, chú có một ước mơ cuộc đời là đến được Hawaii ấm áp, chú sẽ hạnh phúc hơn thế nào nếu được chỉ cách tự đến đó hơn là được chở đến đó chứ, ý nghĩa đằng sau là lỡ đâu chú có trôi dạt lại Bắc cực thì vẫn có thể dõng dạc xách đôi cánh lên lại đi về Hawaii, chẳng lo sợ cũng chẳng thất vọng.

Gần đây, mình lại không cảm thấy hài lòng và hạnh phúc trong công việc, dù cân đo ra công việc này đã cho mình sự tự chủ, thong dong trải nghiệm, linh hoạt biến đổi so với các công việc trước. Đôi lúc mình được dạy phải biết ơn và biết đủ, trân trọng hiện tại; nhưng sau tất cả, mình vẫn là mình, cảm nhận sâu sắc phụ thuộc vào định hướng, tài nguyên và ý muốn của một (vài) người khác không khiến mình hạnh phúc, mình thậm chí còn không hài lòng với work performance và những đồng tiền mình nhận không mua được tự hào sung sướng. Một cái life omen chỉ dẫn mình nên thay đổi phông nền văn hoá, đã đến cùng day dứt và dứt khoát rồi đây!

Như Kye Na (đứng sau là tác giả) rút lại cả hành trình về hạnh phúc tài sản (niềm vui lớn lao một lần nuôi sống cả đoạn đời) và hạnh phúc dòng tiền (niềm vui khác lạ mỗi ngày khiến mỗi ngày đều bừng sáng). Loại hạnh phúc nào cũng sung sướng, quan trọng là chúng ta tìm ra loại hạnh phúc phù hợp với mình chính là hạnh phúc.

Sau khi mình gấp lại cuốn sách, mình nghe được The Nights của Avicii dữ dội và dịu êm:

“He said: One day, you’ll leave this world behind

So live a life you will remember”

Thật là một đoạn kết đẹp, thật là một life omen mãnh liệt kêu gào ném mình ra cửa sổ và lao vào những vùng trũng mơ hồ chẳng biết sẽ đi về đâu để tự cứu rỗi lấy sự sống khỏi “cái chết đẹp ở tuổi 60”. À, đừng lười nữa, an toàn + nhàm chán đủ rồi Hưn à 👊🏻✨