🍓 sống

“Ba OK cái rụp khi mình đòi bỏ học”

Đó là vào những ngày đầu tiên của lớp 5, lần đầu tiên mình phản ứng dữ dội với áp lực học đường và thể hiện dấu hiệu nhẹ của trầm cảm. Có lẽ mình không nhớ lắm cái chi tiết cô giáo chủ nhiệm kiểm tra bài mỗi ngày, yêu cầu mấy đứa nhỏ làm bài tập và thuộc làu răm rắp, tan học sẽ đến lớp học thêm tập viết đến tối muộn 8 – 9 giờ, ngày nào không đạt yêu cầu sẽ bị thẻ vào tay, úp mặt vào bục giảng uýnh vô mông. Nhưng mình nhớ cái không khí căng thẳng chờ đợi mỗi khi một cái tên được gọi lên, sự gay gắt của hình phạt khi đứa trẻ đó không đạt yêu cầu, lớp học buổi sáng nóng nực hệt như muốn hùa vào sự cao độ đó, tụi học sinh của lớp đều toát lên vẻ chăm chỉ ngoan hiền của học sinh giỏi, quyết tâm đậu vào một trường cấp 2 tốt (như ba mẹ, thầy cô và cả lòng tự tôn của chúng nó muốn thế). Dường như mọi thứ đều rất ổn, phụ huynh yên tâm vì cô giáo nổi tiếng khắc khe, lịch học chính quy học thêm san sát nhau như một sự bảo chứng cho tương lai con trẻ, học sinh gần như “khít” vào thành một phần của sự căng thẳng chung.

Trừ mình, mình không ổn.

Mình bắt đầu cảm nhận được đầu óc mình căng lên, lúc nào mình cũng lo sợ phải lên lớp, phải nghe những lời phê phán và mình như mình chẳng nhớ được mấy bạn ở đó, hoặc là mình đã chẳng kết giao được bạn bè, có những lúc vui chơi thoải mái ở môi trường đó.

Khi đó mình 10 tuổi, mình bắt đầu lờ mờ hiểu được mình là cái lứa con cháu được tạo điều kiện đi học đàng hoàng, mang trên vai niềm tin của ba mẹ, bà cô và sự so sánh với mấy đứa trẻ trong họ hàng, nên mình không thể dở được, mình không thể fail.

Nên mình quyết định… bỏ trốn.

Không phải kiểu xách giỏ bỏ nhà ra đi, mà kiểu “bỏ trốn không trực tiếp”. Hiện tượng “căng thẳng thi chuyển cấp khiến học sinh phát điên” trở nên mới mẻ, phổ biến trong cộng đồng và được người lớn trong nhà quan tâm. Mình đồ rằng mình đã nghe được ở đâu đó, mà tạo ra những dấu hiệu căng thẳng thất thường, bắt đầu từ “mỗi ngày một chứng bệnh” để được nghỉ học không phải lên lớp, đau đầu, đau bụng, chà tay thiệt nóng rồi áp lên trán như bị sốt, uống nước lạnh đau họng cảm cúm,… để đổi lấy cả buổi sáng ngủ nướng, tự do tự tại, vui vẻ trốn trong nhà chơi một mình. Đâu đó một tuần thì hết cớ, mình ngán ngẩm quay trở lại lớp học và không thể giấu nổi cảm xúc. Mình bắt đầu khóc một mình trước khi ngủ, mặt mày xanh xao, chán chẳng buồn thở, không biết làm sao. Chẳng nhớ rằng mình đã thể hiện những điều đó thái quá lên thế nào, cuối cùng mình xuất hiện ở 04 ngữ cảnh tốn kém.

  • Trong một ngôi chùa, mình ngồi xụp xuống trước bệ thờ của các Phật, đối diện ông thầy vừa hô hoán vừa vung vẩy một bó nhang lớn, pắc vào da thịt của mình, mình sợ khóc huhu, bên ngoài bà cô cũng khóc huhu, là một lễ nghi xua đuổi tà ma cản trở con đường học tập khiến tâm thần mình bất ổn, niềm tin nghi lễ hoàn tất cũng là mình sẽ trở lại bình thường, “hết bệnh”
  • Trên hàng ghế chờ một phòng khám tâm thần, chờ kết quả sau khi dây nhợ gắn lung tung vào một cái nồi úp lên đầu, kế bên cái máy in chạy vèo vèo những đường lên xuống rồi lại lên xuống, mãi sau này mình mới hiểu đó là đang đo sóng não của mình, má ngồi kế bên không cầm được nước mắt khóc huhu, mình ở đó thấy tội lỗi cũng khóc huhu
  • Trong một căn phòng nhỏ sáng đèn máy lạnh phà phà bệnh viện Nhi Đồng đường 3/2, ông bác sĩ người Pháp bên cạnh chị gái phiên dịch bảo mình vẽ lên một tờ giấy trắng, vẽ gì con thích là được, nét đầu tiên đặt bút màu xuống là tần ngần sợ hãi, sợ sai, sợ xấu, sợ không hoàn hảo, sợ bị đánh giá, vẽ gì thì không nhớ, ông bác xem tranh và chẩn đoán tình trạng tâm lý, mình gặp lại ông bác ấy thêm 2-3 buổi follow up nữa. Mình nói ra được là mình muốn nghỉ học, mình ghét phải bước vô lớp
  • Mỗi buổi trưa, bà cô chở mình trên xe đạp, đánh một vòng mua đồ chơi cho mình trước khi chở mình đến cổng trường, tần ngần chờ mình vào hẳn lớp rồi yên tâm ra về, có khi còn chẳng yên tâm đứng mãi thêm một lúc nữa. Mỗi khi mình giở chứng không muốn đi học nữa, hoặc chùn một bước nào đó, hai cô cháu thể nào cũng khóc huhu. Đó là sau khi mình chuyển khỏi lớp học cũ, từ lớp căng thẳng buổi sáng sang lớp quậy phá buổi chiều, sự yên tâm ban đầu về “tương lai rộng mở” của hội người lớn chuyển sang “nó còn chịu đi học là lấy làm vui rồi”, các lớp học thêm cũng tự động biến mất, thay vào đó là mỗi ngày vui vẻ lăn lê chơi bời ngoài đường với lũ bạn, bất an từ tốn biến mất và mình được “sống” lại.

Ở bước chuyển cảnh từ 03 sang 04, trái với sự lo lắng cẩn trọng của má và bà cô, ông ba chill nhất nhà hỏi mình có thực sự muốn nghỉ học hẳn không, là không đặt chân đến trường đến lớp luôn ấy, mình ậm ừ nói có, thế là ông ba OK cái rụp, từ mai không cần đi học nữa. Không quên bảo rằng, sau này mỗi khi có bực tức phiền muộn thì viết vào cuốn tập trắng, đừng giữ trong lòng, dễ chịu hơn liền.

Khi ấy, mình 10 tuổi, không còn ông già hách dịch nghiêm khắc luôn có sẵn một rổ hình phạt nữa mà là ông ba có thể hiểu được và đứng về phía mình, một cách quyết đoán.

Cuối cùng mình vẫn quay lại trường lớp vì hai bà má vẫn không yên tâm để một đứa con nít 10 tuổi ra quyết định quan trọng ảnh hưởng lớn đến cả đoạn đường tương lai, bằng một cách thức kinh điển từ thầy hiệu trưởng nhỏ người đáng mến trường Lạc Long Quân: chuyển lớp, từ lớp chuyên tuyển chọn sang lớp vui chơi quậy phá.


“OK cái rụp” của sự tự do

Để “OK cái rụp” được như ba, mà hầu hết phụ huynh khác mình biết chẳng bao giờ chịu làm, đơn giản đến từ chính cuộc sống tự do của ông. Lên voi xuống chó, khi quyền lực đầy mình, khi nợ nần chồng chất, khi nghĩa khí hết lòng, khi nhỏ nhen tủn mủn, được bạn bè yêu quý lẫn người thân tẩy chay, đi khắp mọi miền đất nước nhưng đôi khi chẳng biết ngày mai sẽ làm gì tiếp, chẳng biết hoang mang lo lắng, hay nóng tính mà không giận bao giờ, cứ mãi tự do sống trọn mỗi ngày. Tự do quyết định con người mình, tự do thể hiện hết mình, và sẵn sàng trao cho mọi người sự tự do ấy (đôi lúc cũng chửi phong long dưng rồi nhanh chóng mặc kệ =))))))

Sự tự do, hay được là chính mình đều được trả bằng giá chát.

Ví như là từng bị đứa con gái hết lòng nuôi nấng, là mình, “ước gì mình có một ông ba khác lí tưởng” hơn. Mình không có nhiều ấn tượng về khoảng thời gian trung học trưởng thành với cả ba má lắm, vì họ đi làm mất mùa suốt, mình mải lo rong chơi chẳng mấy khi gặp nhau ở nhà. Thời gian sau đó, việc biết nhiều và tiếp xúc với nhiều “hình mẫu người ba lí tưởng” hơn từng khiến mình đặt ra “tiêu chuẩn” cho phụ huynh. Mình ước gì có ông ba uyên bác có thể hướng nghiệp lúc chọn trường Đại học, ước gì có ông ba không bốc phét về chuyện không có thực khiến mình mất mặt, ước gì có ông ba tham vọng tự tin làm chủ hơn, sẽ dạy cho mình những kiến thức về tài chính và quản lý, ước gì có ông ba nghiêm nghị chững chạc hơn thay vì sự hề hước dễ dàng bắt chuyện với bất kì ai và khiến họ cười sảng khoái, ước gì… một nhùi nhiều lắm.

Nhưng mình quên mất, tất tần tật những điểm xấu xí đó mới là người ba đã cho mình 100% tự do vẫy vùng trong thế giới này. Chưa bao giờ mình được yêu cầu phải trở thành người này người kia, học trường danh tiếng, làm một công việc lương cao chức vị hầm hố; chưa bao giờ mình phải xin phép để được đi chơi, giao du với người như thế nào, đi du lịch bụi mấy tuần, dọn ra khỏi nhà, quyết định đổi việc thậm chí còn chẳng có giờ giới nghiêm, quy tắc không được qua đêm ở bên ngoài hay than phiền sao chưa đi lấy chồng đi; chưa bao giờ mình phải xin phép để làm gì đó hoặc chẳng làm gì cả với cuộc đời mình. Cái giá của mình là mông lung, quá nhiều hướng đi chẳng biết đi về đâu, chẳng có ai để mà dựa dẫm vào.

Nhưng đến cuối cùng, trở thành người con hào phóng của đất trời, giá nào cũng đáng.


gia đình mình, Tết năm 2016

Bài học cuối: đừng yêu cầu người khác sống như mình mong muốn

Khi đó là ba má đã không có bất cứ yêu cầu mình phải sống như “đứa con gái tiêu chuẩn” thì mình cũng không nên có bất cứ yêu cầu gì về “phụ huynh tiêu chuẩn”.

Đôi lúc ông ba bà má sẽ xấu tính dưới “tiêu chuẩn” trước mặt người quen hay bạn bè, mình sẽ tự hỏi có nên “tốt khoe xấu che”, nói đỡ để che đậy phiên bản thực của họ không hay ép uổng họ vào “khuôn mẫu” cho giống bao người, dưng mình đã không làm được, mình đã tự tin rằng đây là ông ba bà má của tui nè, xin chào tới với gia đình lạ lùng không theo quy chuẩn nào.

Như là, không có tiêu chuẩn nào để họ trở thành ba má mình, cũng chẳng có tiêu chuẩn nào để mình trở thành con gái hết, chỉ là đùng một phát định mệnh cho mấy người khác biệt này thành một gia đình thôi. Và cũng chẳng có tiêu chuẩn cho bất kì mối quan hệ, giữa con người với nhau hay giữa sự sống, là cách sống ung dung mà ông ba bà má truyền lại, ngoài ra chẳng thiết dạy thêm gì khác :>


Mình chưa bao giờ chủ động kể với ai về câu chuyện trên, kể cả với những người bạn thân nhất, trong nhà cũng hạn chế nhắc đến. Có lẽ vì mình từng cảm thấy xấu hổ cho “cú trốn chạy đầu đời” hay ai đó hỏi “vậy là mày có bệnh thần kinh hả?”. Nhưng sau cùng, rất vui vì hiểu được mình và những thôi thúc chạy trốn khỏi cuộc đời.

Saigon, những ngày cuối năm 2021

Trời lành lạnh, còn mình thì cần thêm chút lòng tin khi mọi người lần lượt quay người bỏ đi