💪 làm việc

3 điều ý nghĩa trong công việc #làmManager

Có vẻ mình sẽ là kiểu Manager không-nên-thuê ở các doanh nghiệp thông thường, mình sẽ ráng đong đưa nhưng không phải là kiểu Manager lý tính. Giữa lợi ích kinh doanh và giá trị con người, mình luôn cố chấp chọn giá trị con người.

Đôi lúc, mình chắc chẳng mang lại đồng lợi ích kinh tế nào. Đôi lúc, để team hoạt động hiệu quả, mình chấp nhận cần rất nhiều thời gian test – fail – learn. Rất nhiều.

Và những lúc, mình cảm thấy thích thú khi làm công việc này.


1. Là nơi đầu tiên mấy đứa trong team tìm đến

Mỗi thành viên trong team là một cá thể riêng biệt, có nền tảng, tính cách và “context” khác nhau tạo nên lối tư duy và hành động, gọi là rất cá nhân. Trong quá trình va chạm với công việc và công ty, là một mái vòm văn hoá lạ lẫm, không tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn và bức xúc khó chịu, khiến công việc càng khoai hơn. Và mình sẽ nhận được những tin nhắn riêng kiểu: “Chị ơi, tâm sự với em chút nha!”, “Em nói chuyện riêng với chị được không?”

Và “công việc” của mình những khi ấy là:

  • Lắng nghe bình tĩnh
  • Thấu hiểu bằng góc nhìn của bạn
  • Gọi tên vấn đề cốt lõi bằng kinh nghiệm nhiều lần ngốc nghếch của mình
  • Gợi ý cách giải quyết qua phân tích và những câu chuyện thực tế (của mình hoặc quan sát được)
  • Cười hề hề bảo là mày cứ chờ xem, chuyện đến thì giải quyết, lần sau còn căng hơn
  • Debrief lần cuối xem bạn đã “thoải mái đi giải quyết” chưa
  • Ghi chú lại, bữa sau quick catch up xem đã giải quyết thế nào

Nói một cách sến súa, không biết từ bao giờ mấy cái “tâm sự mỏng”, “nói chuyện nhỏ” này lại trở thành một thứ động lực phù phiếm mỗi ngày của mình. Từ khi ở công ty cũ, chăm lo một team event táo tợn đến hiện tại chịu trách nhiệm cho một team content cảm xúc. Nhận được những cái “nói chuyện với chị xong em hiểu ra rõ vấn đề”, “em muốn làm với chị từ việc này qua việc khác”, “thanks for being my leader” thì sẽ nhớ rất lâu, bên ngoài act cool dưng toàn cảm động rớt nước mắt.

Không nhiều, nhưng chắc là mình cũng có ích đó. Mấy cái này nhắc mình nhớ đến anh sếp trước, ảnh bảo làm gì có work-life balance vì ảnh xem team như là gia đình và sẵn sàng dành cả buổi cả ngày lắng nghe mỗi khi mình nhắn: “Anh ơi nói chuyện với em xíu nha” trong một version cục súc. Nếu phải làm một Manager, mình cũng sẽ tạo nên một môi trường lành mạnh như vậy.


2. Train cho các bạn cách làm việc hiệu quả từ tính độc lập và kĩ năng phản biện

Công ty thực chất là một xã hội thu nhỏ mang đến đủ đường áp lực: khách hàng, sếp, đồng nghiệp, thời gian, chất lượng, quan điểm cá nhân, chuẩn mực xã hội blô blô bla bla. Trong mọi trường hợp, một cá nhân trong cái hỗn hợp đó, quan trọng nhất là giữ được mình, hoà nhập chứ không hoà tan. Bắt đầu một công việc, bị kéo thả vào trong một dự án, hay với một cái task đơn giản trong lĩnh vực sáng tạo (creative content), khả năng phản biện và tính độc lập sẽ làm được:

  • Sáng tạo có dụng ý, không bâng quơ
  • Tin tưởng và bảo vệ tới cùng creative work của mình
  • Lắng nghe feedback, phân định đúng sai, điều chỉnh khi cần thiết
  • Hiểu rõ là feedback trong khuôn khổ công việc, không phải khía cạnh con người

Sau một tuần dở hơi cám lợn bị khách hàng khó tính hành tám trăm bận, thì mình ngộ ra chân lý sâu xa: 1/ Khách hàng khó tính khó chịu nhưng không phải điểm mấu chốt, 2/ Cách các bạn đang làm, không hiểu sâu, không thuyết phục được khách hàng buy-in, ai lớn-giọng feedback đều vội vàng sửa theo khi mà chưa biết lí do đằng sau. Typical sensibility of a creative.

Thế là mình làm ra cái trò này:

  • Không sửa tiểu tiết nữa
  • Challenge với những câu hỏi khách quan và đủ cụ thể thẳng vào điểm cần sửa
  • Làm lại đến khi thuyết phục được mình thì thôi

Để thuyết phục được con người học thuật là mình, chắc chắc các bạn phải suy nghĩ nhiều hơn về dụng ý, tìm kiếm thông tin và tài liệu lum la và đọc đi đọc lại work của mình kĩ càng. Trong các trường hợp này, mình cũng có áp lực về thời gian dự án, trước đây mình sẽ bay vô tự sửa vẹo nó hết luôn cho xong, dưng may quá, lần này điềm tĩnh khôn ra thì Yay, it works ? Thay đổi cách tiếp cận vấn đề, các bạn hiểu sâu và có thể đưa ra nhận định của mình, tự bảo vệ và chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình. Và có thể tự làm tốt ở những task sau, project sau mà chẳng cần ai supervise hay manage hết.

Những người xung quanh có thể nói mình là một Manager không có mấy năng lực, khiến team tốn công tốn sức vô ích mà còn không bảo vệ được cho team. Chắc mình thấy cũng đúng, dưng mình thích cái thở phào của mấy bạn khi tự mình vượt qua được khó khăn và rút ra kinh nghiệm còn-lâu-mới-quên hơn. Chỉ hơi ăn gian thời gian của công ty tẹo.


3. Góp mặt trong quá trình “tốt lên” của mỗi đứa qua khía cạnh con người và công việc

Cả hai việc trên đều có thể cố tình tạo ra “context” để khiến mấy bạn tốt lên mỗi ngày, chắc là cái khoản “lộng quyền” của một Manager. Mà nó phải tốt lên mình mới làm chứ.

Mỗi cá nhân tốt lên = Hiệu quả công việc tăng = Công ty tốt lên.

Một quá trình dông dài chứ sao có thể khiến ai đó “tốt lên” trong ngày một ngày hai được, chưa kể mấy cái bắc cầu còn lằng nhằng phức tạp, nhưng chắc chắn rằng, công thức trên luôn đúng. Chỉ là có đủ thời gian, kiên nhẫn và tâm huyết làm đến cùng không thôi.

Hoặc có thể linh hoạt đong đưa.

? Thay vì:

Mỗi cá nhân tốt lên 100% = Hiệu quả công việc tăng 200% = Công ty tốt lên 300%

? Nên là:

Cá nhân A tốt lên 50% + Cá nhân B tốt lên 75% = Hiệu quả công việc tăng 125% = Công ty tốt lên 125% và tiếp diễn

Mình vẫn tin một Manager kém cỏi sẽ có các biểu hiện: Micromanagement (quản lý tiểu tiết, giám sát từng ly từng tí, lúc nào cũng phải bám theo team member mới đảm bảo được chất lượng công việc), Overlap (giành việc execution, kiềm hãm sự phát huy năng lực của team member), No slots available (lúc nào cũng bận bù đầu, không có thời gian khi team cần, không tỉnh táo trong các đánh giá).

Thành thật, làm Manager bận sấp mặt hay bất an lo lắng không phải do đội ngũ tồi, mà cách quản lý tồi. Một ngày còn làm Manager, chắc mình chẳng muốn làm một đứa tồi. Sau này vừa đi ăn mày vừa đi du lịch thì tính khác.


? Last but not least, mình chẳng biết công việc có còn phù hợp với mình không, như cách mình nhận thức trong bài Maker Mind vs. Manager Mind: Làm gì với chúng trong công việc?

Nhưng 3 điều trên lại khiến mình thích thú và tâm huyết.

Mình nhớ về một chuyện cũ, khi dự một buổi phỏng vấn với một anh External Relations ở tập đoàn đa quốc gia, mình hỏi: “Tại sao anh làm công việc này?”

Đó là một người anh béo cao to, bất ngờ một tẹo rồi từ tốn bảo, bên ngoài thấy công việc này phải “quan hệ” với nhiều đối tác cấp cao, cũng có đụng đến những thứ không mấy sạch sẽ của hệ thống nhà nước nhưng nó giúp anh xây được mấy cây cầu ở vùng khó khăn rồi đó, thực hiện được ước mơ nguyện vọng là cống hiến cho cộng đồng của anh.

Có vẻ là cuộc sống vốn rất công bằng, để làm được việc mày thích thì phải làm việc khiến mày chán ngán cái đã, chịu được không?